Bệnh tật từ thực phẩm “bẩn”

Thực phẩm không an toàn là gì?

Thực phẩm không an toàn (cộng đồng thường gọi là thực phẩm “bẩn”)là những thực phẩm có chứa rất nhiều tác nhân gây bệnh như: Vi khuẩn, vi sinh vật gây bệnh, độc tố nấm, độc tố vi khuẩn, hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc tăng trọng, thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc nhuộm màu, chất bảo quản chống thối... Những tác nhân độc hại này khi xâm nhập vào cơ thể con người ban đầu có thể gây các phản ứng tức thời như: Ngộ độc, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy. Về lâu dài có thể gây ra nhiều bệnh khác nhau, dẫn tới tử vong.

Thực phẩm không an toàn rất khó phát hiện bằng mắt thường. Những người có kinh nghiệm quan sát khi đi chợ có thể phân biệt phần nào tuy nhiên trong đa số trường hợp là không thể nhận biết được đâu là thực phẩm không an toàn và đâu là thực phẩm an toàn. Muốn biết chính xác thì cần phải nhờ vào việc kiểm tra qua một quá trình xét nghiệm kỹ lưỡng. Tùy theo nhiều yếu tố khác nhau mà quá trình này có thể dài hoặc ngắn.

Bệnh tật từ thực phẩm “bẩn”Rối loạn nhịp tim là một trong những hệ lụy của thực phẩm “bẩn”.

Tràn lan thị trường thực phẩm “bẩn”

Chưa bao giờ cụm từ “thực phẩm không an toàn” lại được đề cập nhiều như hiện nay. Hàng ngày, truyền thông liên tục đưa tin về thực phẩm này. Những thông tin về lợn tăng trọng có dư lượng salbutamol quá lớn, gà thải loại dư thừa kháng sinh, đậu phụ tẩy trắng và trộn bột thạch cao, hoa quả được thúc chín bằng thuốc kích thích, nước giải khát được pha chế bằng hóa chất, phát hiện các cơ sở sản xuất bánh kẹo sử dụng phẩm màu không rõ nguồn gốc... Việc sản xuất thực phẩm chế biến sẵn với các thành phần và tiêu chuẩn không như đăng ký với cơ quan quản lý không chỉ gây ra các bệnh cấp tính do ngộ độc thực phẩm mà còn là nguyên nhân của nhiều bệnh mạn tính do nhiễm và tích lũy các chất độc hại, gây rối loạn chuyển hóa các chất trong cơ thể.

Theo Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm tra gần 120.000 cơ sở trong tháng 8 và 9/2017, có đến 22% vi phạm các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm. Sai phạm chủ yếu là về điều kiện vệ sinh cơ sở (chiếm 15-20%), 3-5% sai phạm về chất lượng sản phẩm... Các kết quả kiểm nghiệm cho thấy, nhiều thực phẩm sử dụng hàn the, phẩm màu hoặc dùng chất phụ gia quá giới hạn cho phép. Nhiều mẫu không đạt chỉ tiêu vi sinh về tổng số bào tử nấm men - mốc, Coliforms, E.coli, vi khuẩn hiếu khí... Gần 3.000 loại sản phẩm đã bị tiêu hủy. Trong đó, Thanh Hóa hủy gần 500kg bánh xốp nguồn gốc Trung Quốc có chứa kim loại nặng vượt quá mức cho phép, 247kg bánh rán nguồn gốc Trung Quốc có độ ôi khét vượt ngưỡng, 70 kg kẹo gắn đồ chơi có phẩm màu kiềm không được phép sử dụng. Tỉnh này còn tiêu hủy hơn 25 tấn măng tươi và 160kg lưu huỳnh dùng để bảo quản măng...

Trước đó, các lực lượng chức năng đã thu giữ và xử lý hàng trăm tấn chất phụ gia, thực phẩm không rõ nguồn gốc có xuất xứ từ Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam tại các địa bàn Quảng Ninh, Hà Nội, Móng Cái...

Thực phẩm“bẩn”gây ra bệnh gì?

Nếu ăn phải thực phẩm “bẩn”, điều nguy hiểm hơn cả là các chất độc sẽ tích tụ dần trong cơ thể gây ra các bệnh mạn tính, nguy hiểm. Cụ thể:

Nếu ngộ độc kim loại mạn tính gây suy gan, suy thận, thoái hóa hệ thần kinh trung ương, sa sút trí tuệ, bệnh Parkinson, mất ngủ, lo âu, suy giảm trí nhớ, thậm chí suy tủy xương dẫn tới thiếu máu, giảm bạch cầu.

Bệnh tật từ thực phẩm “bẩn”Bệnh parkinson có thể mắc phải do ngộ độc kim loại mạn tính.

Thực phẩm có dư lượng kháng sinh hoặc thuốc kích thích tăng trọng của gia súc sẽ tích tụ dần trong cơ thể có thể gây ra các hiện tượng phù, ứ nước trong cơ thể và các bệnh như rối loạn nhịp tim, kích thích hệ thần kinh làm lo âu, mất ngủ, căng thẳng, sau đó có thể gây suy nhược thần kinh. Bên cạnh đó, khi bị ngộ độc loại này, cơ thể dễ bị đề kháng với các loại kháng sinh nên khi cơ thể bị bệnh sẽ khó điều trị hơn.

Ngộ độc những chất vô cơ như formol, ure, hàn the... có thể gây ra tổn thương gan thận mạn tính cũng là nguy cơ gây ung thư và tổn thương tế bào não.

Chất độc trong thực phẩm bẩn bị ô nhiễm các phụ gia, chất bảo quản hóa học không được phép sử dụng cho người hoặc quá liều cho phép đều có thể gây tổn hại cho các tế bào trong cơ thể và ảnh hưởng đến thế hệ sau. Bởi tế bào sinh sản của hệ sinh dục là một trong các tế bào dễ bị tổn thương nhất. Nếu bị tổn thương sẽ gây ức chế hoạt động của buồng trứng và tinh hoàn, tạo ra nhiều trứng non không đủ trưởng thành vẫn rụng trứng hoặc tạo ra các tinh trùng dị dạng khó thụ thai và dẫn đến vô sinh.

BS. Lê Anh Tiến